Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

ĐỌC VÀ SUY NGẪM

ĐI TÌM BÀI CA DAO “MƯỜI QUẢ TRỨNG”
MỘT BÀI CA DAO ĐẶC SẮC CỦA BÌNH TRỊ THIÊN
                                              
Bài ca dao  Mười quả trứng từng nằm trong tập hợp Những câu hát than thân  trích trong sách  văn học 10 (Sách chưa cải cách) ghi rỏ là dân ca Bình Trị Thiên. Đây là một niềm vinh dự lớn của ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị , Thừa Thiên Huế.    
Bài in trong sách giáo khoa năm 1992 và 2000 khoa như sau:
Tháng giêng, tháng hai,
Tháng ba, tháng bốn,
Tháng khốn, tháng nạn
Đi vay đi dạm
Được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên
Mua con gà mái
Về nuôi hắn đẻ ra mười trứng
Một trứng: ung
Hai trứng: ung
Ba trứng: ung
Bốn trứng: ung
Năm trứng: ung
Sáu trứng: ung
Bảy trứng: ung
Còn ba trứng nở ra ba con:
Con: diều tha
Con: quạ bắt
Con: mặt cắt xơi
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.
    * Đọc đến cuối bài ca dao chắc sẻ có nhiều người phải suy nghĩ về địa danh “ Chợ Kẻ Diên” ngày nay được đổi tên thành chợ Diên Sanh ở xã Hải Thọ Huyện Hải Lăng Tỉnh Quảng Trị.
Vậy, bài ca dao được xuất xứ từ đâu?

I. TÌM HIỂU VỀ MẠN CỰC NAM CỦA HUYỆN HẢI LĂNG:
    
1.    Vị Trí địa lý :
Về mạn cực nam của huyện Hải lăng, tỉnh Quảng Trị, men dòng Ô lâu có các làng: làng Mỹ Chánh thuộc Xã Hải Chánh; Lương Điền, Hà Lộc thuộc xã Hải Sơn; Hà Lỗ, Câu Nhi, Văn Quĩ thuộc xã Hải Tân; Hưng Nhơn, An Thơ và Phú Kinh thuộc xã Hải Hòa. Vùng đất này đã đóng góp cho đất nước Việt Nam nhiều nhân tài vừa văn vừa võ.
2. Hệ thống sông:
     Các làng trên đều có nhánh từ sông chính (Ô lâu) đổ ra đồng ruộng thông thẳng đến Diên Sanh (Kẻ Diên), thủ phủ của huyện Hải Lăng. Hồi đó việc đi lại chủ yếu là đường thủy. Các làng hạ lưu đi chợ Kẻ Diên bằng ghe thuyền, sáng chống đi chợ, trưa về.
    3. Kinh tế:
     Quê ta là vùng trũng (8 đến 10 độ so với mặt biển), độc canh lúa nước, hằng năm bị hai con nước đe dọa. Lũ Tiểu mãn tháng tư âm lịch và lũ thu đông kéo dài từ tháng tám đến hết tháng mười. Câu ca “Ông tha mà bà chẳng tha/ làm cho con nước hai ba tháng mười” đã nói lên cơn lũ dai dẳng và khốc liệt ấy.
     Là vựa lúa của huyện Hải Lăng nhưng trước đây chưa có hệ thống tưới tiêu nên có làm mà không có ăn. Đầu tháng tư lúa bắt đầu chín, lũ Tiểu mãn đe dọa. Lúa đang xanh cũng gặt (Xanh nhà hơn già đồng), gặt không kịp nước cuốn trôi. Thế là đi đứt vụ mùa thu hoạch chính. Quê tôi không có đất trồng hoa màu nên rau không có mà khoai sắn cũng không. Người dân thật vô cùng khốn khổ. Sau tháng ba, tháng tư quả là tháng khốn tháng nạn.
4. Sự kiện tiêu biểu của cụm Ô Lâu:
 Năm 1999 cơn đại hồng thủy đã làm chìm tàn bộ nhà cửa của người dân. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm các xã trong đó có xã  Hải Hòa trong trận lũ khủng khiếp, cũng từ đó nhân dân cả nước và bạn bè Quốc tế biết đến mảnh đất vùng sâu này.
II. TÌM HIỂU XUẤT XỨ BÀI CA DAO:
                      Đi sâu tìm xuất xứ bài ca dao, tôi chú ý bốn từ “RA CHỢ KẺ DIÊN” thông thường, đến một nơi nào đó người ta dùng từ: đi, về, Đi đâu, về đâu. Quê Quảng Trị, quê ta còn dùng nhiều từ khác: vô, ra, lên, xuống, qua, lại ví như vô Sài gòn, ra Hà nội, lên rừng, xuống biển, qua chợ (cách sông)
                      Ta xem chợ Kẻ Diên là điểm đến là trục tọa độ để xét. Nội hạt huyện Hải Lăng: Hải Thượng xuống chợ, Hải Khê lên chợ, Hải Quy vào chợ và các xã từ phía cực nam Hài Lăng là ra chợ. Thế “ra chợ Kẻ Diên” phải chăng là cội nguồn xuất xứ bài ca dao này.
                      Vậy, theo tôi bài ca dao này có xuất xứ từ Cụm Ô Lâu của Huyện Hải Lăng.
                      III. PHÂN TÍCH BÀI CA DAO:
Có lẽ nội dung của bài ca dao đã gây ra một tác động tâm lý tức thời bởi năng lượng truyền cảm của nó. Vừa đọc lên, đã thấy lòng quặn thắt, bởi một nỗi khổ cực khốn cùng. Đúng là nỗi khổ cực khốn cùng của người nông dân Bình Trị Thiên nói chunh và của người dân Cụm Ô lâu Hải Lăng nói riêng đã được diễn tả, nhưng đồng thời bài dân ca cũng nói lên niềm hy vọng mong manh của họ.
Dựa vào việc trình bày cảnh ngộ của người nông dân chăm sóc mười quả trứng, bài dân ca đã cho ta một hình dung toàn
cảnh về một cuộc đời khốn khổ.
Mở đầu:
Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn…,
Ta gặp một phép kể và một cách tính quen thuộc của người nông dân: tính tháng, tình thời vụ. Bởi vì người nông dân sống bằng thời vụ; cũng như thời vụ và những công việc đồng áng chi phối toàn bộ cuộc sống của họ. Từ tháng giêng đến tháng tư nhà nông chưa có thóc, chưa đến thì gặt lúa, chưa đến mùa thu gặt. Mùa thu gặt phải chờ đến Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng năm như vậy là coi như tháng giáp hạt, tháng đói. Và đó cũng chính là lý do mà người nông dân này vừa kể vừa kêu khổ:
tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn.
Khốn là khốn đốn, nạn – là vận nạn, chỉ vận nạn khốn quẫn, khốn cùng, như đói kém, túng quẫn, thiếu thốn. Biết làm gì khi vụ mùa chưa tới? Sự chờ đợi đối với người nông dân dài dằng dặc, nghĩa là từ sau khi gieo mạ và chờ cây lúa lên sau tháng giêng hai.
Người dân ta có sáng kiến, như tạo được một cơ hội:
Đi vay đi dạm được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái.
Đi vay đi dạm tức là phải chạy vạy, vay mượn vất vả.
Nhưng bù lại:
Về nuôi hắn đẻ ra mười trứng.
Mười cái trứng – đó là tất cả vồn liếng, là sự sinh sôi, nảy nở của ngày mai. Điều đó vừa bé bỏng, vừa lớn lao một cách khắc nghiệt vì nó chứa đựng toàn bộ niềm hy vọng. Có thể hình dung ra tâm trạng thấp thỏm của người nông dân khi anh ta chờ đợi và nhặt lên từng quả trứng, thận trọng soi nó dưới ánh nắng mặt trời và cay đắng nhận thấy:
Một trứng: ung
Hai trứng: ung
Ba trứng: ung
Bốn trứng: ung
Năm trứng: ung
Sáu trứng: ung
Bảy trứng: ung
Quả là một con số dài dằng dặc và một kết luận đau xót. Tưởng chừng mỗi tiếng ung buông ra như kèm với tiếng thở dài nặng trĩu đầy thất vọng!
Còn ba trứng nở ra ba con.
Bài ca dao không mô tả thời gian và việc chăm sóc gà con, những vẫn cho người dân nghe một cảm nhận về sự chuyển vận của thời gian qua lời kể và qua những chăm chú thường trực của họ. Họ vẫn đếm và vẫn tính, trên cái Không có gì. Bởi số phận hiện ra như một sự trắng tay:
Con: diều tha
Con: quạ bắt
Con: mặt cắt xơi
Lời ca nghẹn lại như một tiếng khóc than. Ta cảm thấy như là có một sự ngẫm nghĩ, sự suy ngẫm đau đớn trước cái gì điêu tàn, tan thương và mất mát. Và đó chính là sự suy ngẫm trước hiện thực và trước số phận bạc bẽo, là sự trực diện với đau khổ, với sự khô cằn, tan vỡ, và với cái nghèo không lối thoát.Hoàn tất một sự kể khổ như vậy thực là độc đáo.
Thế nhưng ở hai câu cuối của bài ca dao, lời an ủi và niềm hy vọng lại cất lên. Và nó cất lên giữa một sự điêu tàn, sự tang thương bởi những mảnh còn sót lại của những con gà non bị diều tha, quạ bắt…:
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da: Lông mọc, còn chồi:  nảy cây.
Chớ than – đừng than thở; là một lời khuyên nhủ, lời an ủi, và cũng là một cách kìm nén nỗi đau khổ ở trong lòng, để nỗi đau khổ trở nên âm thầm, tạo thành một nghị lực và một sự chịu đựng, để sống và hy vọng. Niềm hy vọng ấy là từ những gì kế tục, sống lại và đồng nhất với khởi sự của một sự sống: Còn da: Lông mọc, còn chồi:  nảy cây.
Bài ca dao Bình – Trị – Thiên này dường như là được hát trên những vùng đất hoang vu đầy nắng, gió và cát. Nó hát về những nỗi khổ dài dằng dặc quanh năm suốt tháng, gửi gắm vào đấy nỗi bi thương và hát lên để tỏ bày, để thông cảm và để thương nhau, bởi vì sự thông cảm và thương nhau cũng là một nguồn sống. Đặc biệt là niềm hy vọng. Niềm hy vọng ở đây, là cái còn lại cuối cùng, sau nỗi khổ đau.và lời khẩn cầu cho sự sống lại đâm chồi nảy mầm.Và lời khẩn cầu cũng như niềm hy vọng ấy được ca hát lên, tựa như một ngọn gió hoang vu cất lên từ mặt đất cằn khô, bao la đầy cát trắng.
Có một điều lạ lùng, rằng cái tiếng hát bi thương, buồn khổ này dường như cứ đeo đẳng và đi theo ta mãi, ám ảnh và làm cho ai đã nghe nó một lần cũng không thể quên, dai dẳng như là một nỗi nhớ đến dĩ vãng của một thời, của một người, của một vùng đất, một xứ sở, ngay cả khi ta đã sung sướng và giàu có. Sự không quên này sẽ giống như một ký ức, và nó đích thực là một tình yêu đối với quê hương, đối với con người, đối với nhân dân.
"Mười quả trứng" là bài ca dao thể hiện sâu sắc Tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Mặc dù tài sản duy nhất "mười quả trứng" cuối cùng lại trở về là con số 0 thậm chí còn âm vì chủ sở hữu của nó phải "đi vay, đi dạm, ...". Song người nông dân Việt Nam vẫn tin tưởng, vẫn hy vọng vào tương lai tươi sáng.
                        Xin mời bạn bè đọc vui và cùng trao đổi.

1 nhận xét: