Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

HÌNH ẢNH NGƯỜI THẦY Ở VÙNG NƯỚC NỔI XÃ HẢI HÒA


Thầy Nguyễn Văn Côi và học sinh đang học tạm tại nhà dân

Đầu tuần thầy Nguyễn Văn Côi vào trường trung tâm xã Hải Hòa nhận sữa và bánh trong khuôn khổ của chương trình “sữa học đường”, mùa này phải hai ba tuần mới vào được nên thầy ráng sức chở gộp tiêu chuẩn hai tuần vào một chuyến. Đường lầy, chở nặng, tuổi thầy đã ngoài 50, thầy té ngã gãy chân. Vậy mà cũng không thể bỏ lớp được vì cả bốn lớp học của càng chỉ do mình thầy đảm trách. Chở ra bệnh viện bó bột xong, thầy lại vào đứng lớp. Lớp 1: sáu em, lớp 2: năm em, lớp 3: sáu em, lớp 4: ba em.
Thấy tôi vào tìm thầy ở lớp, sắp nhỏ đều đứng lên chào khách rất lễ phép. Quê thầy Côi tận trong An Thơ, tuy cùng xã nhưng để về nhà cũng gian nan bội phần. Thi thoảng một tháng phụ huynh lại đưa xuồng chở thầy vào thăm nhà bởi đường về nhà thầy cũng băng qua một đồng nước mênh mông. Vào nghề từ năm 1971, thầy dạy học khắp mấy xã vùng trũng này hơn 30 năm nay. Thầy ra càng Hội Điền hồi năm 2000, xong “nghĩa vụ” thầy cũng định xin về trường gần hơn nhưng rồi phụ huynh trong càng nhất quyết mời thầy ở lại. Vậy là thầy cũng chiều lòng phụ huynh... Mới hay không chỉ làm nhiệm vụ dạy, bao nhiêu chuyện nơi đây bà con trong càng cần đến thầy: nhờ thầy viết khai sinh cho con, có người nhờ thầy đặt tên con vừa sinh bởi thầy “hay chữ”, viết đơn vay vốn, khiếu nại..., đến khi người già nào đó trong làng nằm xuống, nhất nhất nhờ thầy chấp bút cho mấy dòng ai điếu.
Một hình ảnh khiến tôi cảm động vô cùng: giờ ra chơi, mấy đứa nhỏ lại xúm vào... nhổ tóc bạc cho thầy, gần gũi và hết sức thân thiết. Cứ cảm giác như hình ảnh thầy Côi trên đồng nước này không khác nào thầy Đuysen của làng Kukurêu trong truyện Người thầy đầu tiên của Aimatov, dù thầy chưa phải là người thầy đầu tiên về dạy ở càng.
Nhưng chuyện dạy học ở càng Hội Điền của thầy Côi còn đỡ hơn vài càng khác vì dù sao Hội Điền đã có một ngôi trường nho nhỏ với đầy đủ bàn ghế, còn như ở càng Cây Da (xã Hải Thọ) thì giờ đây thầy trò đang dạy và học ké khắp nhà dân. Đường vào càng Cây Da cũng chỉ là bờ cỏ chìm nước cho người ta đoán là đường mà vào.
Thầy Phạm Chót đang dạy hai lớp ở... hiên nhà ông Trần Sách, có được hiên người ta cho mượn làm lớp học là may lắm rồi. Thầy Chót kể: “Dạy ở đây ba năm, thầy trò tôi phải năm lần di chuyển lớp vì nhà dân nào cũng chỉ có thể cho mượn tạm một thời gian. Mà nhà dân có thể mượn làm chỗ học được rất khó vì dân vùng càng chẳng có ai khá giả để có nhà cửa đàng hoàng”. Cô giáo Nguyễn Thị Mót phụ trách hai lớp 1 và 2 có khá hơn vì được nhà thờ cho mượn làm chỗ học. Cứ học lòng vòng như thế rồi cũng... lên lớp. Còn phụ huynh nơi đây nhiều khi chỉ mơ ước thật giản dị: chỉ trông cho con đọc được chữ, “mai mốt có đi đâu xa thì biết mà viết thư về cho gia đình”.
Tôi gặp khá nhiều học sinh học chỉ xong tiểu học lại theo cha đi chăn vịt hay ngồi lên lá thuyền mỏng mảnh ngày ngày đi đánh cá mưu sinh trên dòng Ô Giang... Gian nan chuyện học như thế nên bây giờ chưa có càng nào có học sinh vào đại học. Như càng Hội Điền chỉ mới có hai học sinh là Nguyễn Văn Hiếu và Nguyễn Văn Danh mới vào đến cấp III. Và vì thế nên những người thầy trên đồng nước nổi này sẽ còn nhiều gian nan để nuôi hi vọng về những con chữ ướt sũng nước một ngày nào đó sẽ giúp các em thay đổi số phận của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét