Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

LƯU LẠI CHO MUÔN ĐỜI SAU


VĂN HIẾN PHÚ KINH
Nằm yên bình bên dòng sông Ô Lâu lặng lẽ chắt chiu từng giọt phù sa bồi đắp cho biền bãi sầm uất cây trái của nhiều ngôi làng thuộc các xã Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Tân, Hải Hoà… trước khi “chia tay” đất Quảng Trị mà xuôi về phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên-Huế), làng Phú Kinh (xã Hải Hòa, Hải Lăng) đang âm thầm cất giữ nét văn hóa riêng biệt được hàm dưỡng lưu niên qua bao thế hệ để góp phần làm nên sự bền vững của cội nguồn văn hòa Việt. 

Bậc cao niên trong làng giải thích nội dung bản Khoán ước cho con cháu, người làng.
Và chính nét văn hóa đó đã được các bậc tiền nhân của làng cách đây 237 năm (1774- 2011) đúc kết thành bản Khoán ước Phú Kinh cho đến ngày này được liệt vào hàng cổ vật quốc gia lưu truyền trong dân gian được tỉnh Quảng Trị bảo vệ nghiêm ngặt. Những quy định trong bản Khoán ước cho đến hôm nay vẫn còn mang tính thời sự đã được con cháu người làng soi vào đó mà cố gắng gìn giữ bản sắc văn hóa làng và hơn hết là phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, học tập… 
Một buổi chiều lất phất mưa của ngày cuối đông, trong căn nhà ấm cúng của mình, ông Lê Hồng, Trưởng làng Phú Kinh đã khai mở cho tôi vài nét lịch sử hình thành làng Phú Kinh cũng như sự ra đời của bản Khoán ước Phú Kinh. Khoảng những năm cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, trong làn sóng di cư đông đảo của những nông dân nghèo từ các làng quê ở Bắc Trung bộ vào khẩn hoang, xây dựng quê hương mới thì tại Phú Kinh bắt đầu diễn ra quá trình tụ cư lập làng.

Tương truyền dòng họ đầu tiên cắm cột mốc dựng nhà trên mảnh đất Phú Kinh là một người thuộc dòng họ Trần nhưng sau đó nạn lũ lụt đe dọa thường xuyên nên gia đình họ Trần dời đi nơi khác lập nghiệp. Tiếp sau dòng họ Trần là các dòng họ Lê, Nguyễn, Cái, Dương, Phạm, Hồ, Hoàng, Mai và hai họ Phan bắt đầu đến đây quy tụ để lập nên làng Phú Kinh. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì thời các chúa Nguyễn, làng mang tên Phúc Kinh thuộc tổng An Phúc, huyện Đăng Xương. Sau này, để tránh tên húy nên triều đình nhà Nguyễn đã đổi tên làng thành Phú Kinh, và cái tên Phú Kinh đã tồn tại cho đến tận ngày nay.

Còn về bản Khoán ước Phú Kinh thì theo những người cao tuổi trong làng, trước năm 1945, bản Khoán ước Phú Kinh được dựng trang trọng tại đình làng. Sau đó, đình làng bị bom, đạn giặc Pháp rồi giặc Mỹ tàn phá nên người làng mới mang bản Khoản ước cất giấu ở miếu khai canh của làng. Ngày đất nước thống nhất, người làng trở về làm ăn sinh sống trên đất làng và nhiều lần trùng tu, tôn tạo miếu khai canh đã nhìn thấy phiến gỗ lim dài 2,4m, rộng 0,35m, dày 0,06 m khắc đầy chữ Hán. Lúc ấy, do người làng không ai biết chữ Hán nên không hiểu nội dung ghi chép những gì.

Tuy nhiên, nhiều người làng với suy nghĩ phiến gỗ ghi dày đặc chữ Hán kia chắc có ý nghĩa lịch sử gì đó có liên quan đến làng, đến xã nên họ cẩn thận cất giữ. Mãi đến tháng 3 năm 1986, Đoàn khảo sát điền giã của Khoa sử (Trường Đại học Tổng hợp Huế, nay là Trường Đại học Khoa học Huế) tiến hành việc dịch thuật mới biết đó là bản Khoán ước do các viên chức, hương lão của làng soạn thảo vào ngày Cốc Nhật, thượng tuần tháng cuối mùa Hạ (năm Giáp ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng-năm 1774).

Bản dịch Khoán ước hiện đang được các giảng viên lưu trữ tại Khoa sử (Trường Đại học khoa học Huế) để phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử hình thành làng, xã. Để làm sáng tỏ lịch sử hình thành nên đất làng cũng như khơi gợi niềm tự hào của con cháu người làng về miền đất Phú Kinh văn hiến lâu đời, đến năm 2002 một số người làng đã lặn lội vào tận tỉnh Thừa Thiên-Huế để in ấn rồi mang toàn văn bản Khoán ước về làng.

Đọc bản Khoán ước của làng do các giảng viên Khoa sử dịch thuật, tôi thấy có nhiều điều kỳ thú, bất ngờ khiến ai từng xem qua cũng không dám coi thường quy định mà người ta thường gọi đó là lệ làng. Có lẽ những quy định đó được người làng duy trì cho đến trước năm 1945.

Như bản Khoán ước quy định về việc cấp ruộng đất công làng xã dưới hình thức “ruộng vĩnh nghiệp” nhằm mục đích khuyến nông và đảm bảo đời sống cho người dân trong làng (đặc biệt là người già neo đơn, trẻ tật nguyền hay mẹ góa con côi), qua đó mà duy trì, thực hiện những yếu tố dân chủ có thể có được dưới thời phong kiến. Quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi người dân trong việc gìn giữ, xây dựng làng xóm cũng như nghiêm cấm những hành động phá hoại đất đai, môi trường sinh thái nhân văn của làng.

Khoán ước khuyên mọi người trong làng sống lương thiện, cần kiệm dựa trên sức lao động vốn có của chính bản thân mình. Mỗi người phải biết yêu lao động và ai cũng phải kiếm cho mình một nghề căn bản để tự nuôi sống mình cũng như góp phần làm giàu đẹp thêm quê hương, xứ sở. Bên cạnh việc lấy nghề nông làm trọng, cần khuyến khích các nghề thủ công, trồng dâu nuôi tằm, chài lưới và buôn bán. Khuyên dân làng không được buôn gian, bán lận hay theo đòi những kẻ chuyên tụ tập cờ bạc, rượu chè say sưa mà lãng quên việc học hỏi, nâng cao nghề nghiệp căn bản của mình làm ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục của làng.

Trong quan hệ ứng xử xã hội, phải biết giữ gìn mối đoàn kết, thuận hòa, phải biết kính già, yêu trẻ, cưu mang những người côi cút, tật nguyền, người nghèo. Biết giúp nhau khi ốm đau, bệnh tật, cứu vớt đỡ đần nhau khi hoạn nạn. Phải biết giữ gìn trong sạch mà không làm những điều chỉ có lợi cho mình nhưng có hại cho người khác và răn đe những tệ nạn loạn luân, hoang dâm, trộm cướp…

Ngoài ra, bản Khoán ước còn dành phần lớn quy định về khuyên răn, khuyến khích con em trong làng chăm lo việc học hành, đỗ đạt với hàm ý rằng ai cùng phải học, học chữ, học nghề, học lễ nghĩa. Việc học phải tiến hành từ tuổi ấu thơ cho đến khi lên bảy, lên tám tuổi thì bắt đầu học chữ. Trường hợp cháu nào bị tật ngây ngô, ngọng lưỡi, không học, đọc chữ được thì phải học việc nông trang và không ai được lãng quên, chây lười việc học…

“Đó là nguồn cội làm nên văn hiến làng Phú Kinh đó chú. Bây giờ đình làng đang trong quá trình kêu gọi dân làng quyên góp để tiến hành xây dựng mới nên bản Khoán ước đang được dựng tại đình làng cũ. Cứ vào các dịp lễ hội của làng hàng năm, các vị cao niên trong làng lại mở cửa đình làng để con cháu, người làng vào chiêm ngưỡng, tìm hiểu cũng như nghe các cụ nói về nội dung bản Khoán ước của làng. Chính từ việc làm đó đã giúp người làng hiểu thêm những điều răn dạy của các bậc tiền nhân gửi lại mà tự suy ngẫm về từng hành động, từng việc mình làm. Nhờ đó, từ ngày dựng lại bản Khoán ước ở đình làng cho đến nay, hầu như các tệ nạn xã hội như đánh nhau, rượu chè, cờ bạc trong làng ít đi. Người làng ngày càng đoàn kết, giúp đỡ nhau hơn trong việc làm ăn cũng như học tập”- ông Lê Hồng tự hào cho biết.

Trên đường dẫn tôi ra mở cửa đình làng để tôi tận mắt “mục sở thị” bản Khoán ước viết trên gỗ lim của làng, ông Lê Hồng cho biết thêm: Làng Phú Kinh hiện tại có 347 hộ, 1.832 khẩu sinh sống trên diện tích 245 ha. Những năm qua, người làng nhờ biết giúp nhau trong làm ăn, học tập nên đời sống của người dân Phú Kinh ngày càng khấm khá hơn, điển hình như các hộ ông Lê Đình Tặng, Nguyễn Đăng Sơn, Lê Văn Tự, Nguyễn Văn Tánh, Nguyễn Đăng Vẽ có mức thu nhập hàng năm từ 100-200 triệu đồng từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất, kinh doanh. Còn về việc học hành, đỗ đạt của con cháu, người làng thì tính đến nay đã có 71 em tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và hiện đang công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh.

“Người làng cho dù sinh sống ở đâu cũng luôn bảo ban thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, âu đó cũng là cốt cách được lưu truyền qua các thế hệ thành cách sống hầu như đi vào tiềm thức của mỗi người dân làng Phú Kinh, không kể giàu nghèo sang hèn. Có lẽ, cốt cách ấy làm nên tinh thần cốt lõi bản Khoán ước Phú Kinh thể hiện sự thương dân, khuyên mọi người trong làng sống phải có lao động, tình thương và lẽ phải, khi các bậc tiền nhân bắt tay vào việc khắc từng nét chữ lên phiến gỗ lim để răn dạy cháu con đời sau”. Ông Lê Hồng đã cho tôi biết như vậy khi chia tay ông ở cổng làng. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét