Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

GIAN NAN HỌC CHỮ

Với địa hình thấp hơn mực nước biển từ 0,7 đến 1m, vùng càng gồm Hội Điền, Hưng Nhơn, An Thơ thuộc xã vùng sâu Hải Hòa (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.
Đi học bằng ghe
Mặc dù đã được ông Nguyễn Thanh Trí, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Hòa, cho biết về những khó khăn của học sinh vùng càng, thế nhưng chúng tôi cũng không khỏi bất ngờ khi tận mắt chứng kiến. Trận lũ giữa tháng 10 đã qua hơn nửa tháng, nhưng nơi đây vẫn còn là một biển nước mênh mông. Ông Trí nói: “Vào mùa mưa lũ, cách duy nhất để ra vào càng là bằng ghe, đò. Học sinh muốn đến trường phải thức dậy từ 4 - 5 giờ sáng, tự mình đến lớp trên những chiếc ghe mỏng manh, rất nguy hiểm. Khách lạ muốn vào càng thì phải biết số điện thoại của người dân trong thôn để gọi điện nhờ họ đem ghe ra đưa vào”.

Mùa nắng còn đỡ, chứ đến mùa mưa lũ, nhìn các em quần áo ướt nhẹp lội nước đến lớp mà thương thắt ruột
Cô giáo Hoàng Thị Loài, phụ trách điểm trường càng Hội Điền
Anh Nguyễn Văn Thắng, Phó càng Hội Điền, cho hay: “Từ lúc còn nhỏ, tôi đã nghe người lớn trong vùng gọi là “càng”, chứ không phải “làng”. Ở đây, cứ mỗi làng “mẹ” lại có một “càng con”, như làng Hưng Nhơn có càng Hưng Nhơn, làng Hội Điền có càng Hội Điền... Mùa nắng ráo, đi đường chính thì xa nên các em cũng phải dậy sớm rồi đi bộ băng qua đồng ruộng để đến lớp".
Ông Nguyễn Thanh Trí cho biết toàn trường có 478 học sinh nhưng phải học ở 4 cơ sở, gồm điểm trường chính và 3 điểm trường lẻ. Học trò từ lớp 1 đến lớp 4 ở vùng này phải học ghép. Những năm trước đây, trường học của con em ở các càng An Thơ, Hội Điền, Hưng Nhơn chủ yếu là mượn nhà dân hoặc nhờ nhà kho của hợp tác xã thôn. Năm 2009, dự án Phòng chống thiên tai bão lũ miền Trung đầu tư gần 3 tỉ đồng xây hai ngôi nhà 2 tầng ở Hội Điền và An Thơ cho bà con trong vùng tránh lũ. Hai ngôi nhà này được “mượn” để dùng làm lớp học cho các em học sinh trong vùng.
 
Học trò ở càng Hội Điền đều phải đi học bằng ghe - Ảnh: Minh Phương
Ở điểm trường Hội Điền có 1 lớp ghép 1+2+3 với tổng số 9 học sinh, do một cô giáo phụ trách. Còn điểm trường An Thơ có 2 lớp ghép lớp 1+2 và lớp 3+4 với 12 học sinh, do hai cô giáo phụ trách. Em Nguyễn Văn Doan (lớp 3, điểm trường Hội Điền) kể: “Ở lớp, cô giáo phải chia chiếc bảng thành 3 phần để dạy học. Sau khi cô ra bài tập cho các em lớp 1, lớp 2 thì mới chuyển sang dạy tụi con”.
Vừa học vừa lo trường sập
Do ở điểm trường Hội Điền chỉ dạy đến lớp 3, nên sau khi học hết lớp 3 lên lớp 4, học trò ở càng Hội Điền phải vào điểm trường ở càng An Thơ để tiếp tục tìm kiếm con chữ. Hết lớp 4, muốn học tiếp lên lớp 5, tất cả các em vùng càng đều phải đến điểm trường chính ở trung tâm xã.
 
Dãy nhà ở điểm chính Trường tiểu học Hải Hòa bị nứt từ nhiều năm nay, rất nguy hiểm cho học sinh và giáo viên 
Cô giáo Hoàng Thị Loài, phụ trách điểm trường càng Hội Điền, chia sẻ: “Hai năm nay, nhờ có tuyến đường chống lũ nên đường vào càng đã dễ đi hơn rất nhiều. Giáo viên tụi mình đều động viên nhau cố gắng. Mùa nắng còn đỡ, chứ đến mùa mưa lũ, nhìn các em quần áo ướt nhẹp lội nước đến lớp mà thương thắt ruột”.
Thế nhưng, ở điểm trường chính, cả thầy và trò cũng trong cảnh phải nơm nớp lo trường sập. Hiện tại trường vẫn còn một dãy nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1983, tường nứt từ nhiều năm qua. Ông Nguyễn Thanh Trí cho biết trường đã nhiều lần đề xuất xin kinh phí để sửa chữa nhưng “vá chỗ này lại rách chỗ khác”. Với 4 phòng học gồm 8 lớp sáng chiều, gần 250 học sinh đang ngày ngày ngồi trong những căn phòng mà không biết được sự hiểm nguy sẽ đến với mình bất cứ lúc nào.
Không thể nói hết những khó khăn mà cô trò vùng càng này đang đối mặt. Vì tương lai của học sinh vùng càng, tất cả các thầy cô đều cố gắng để gieo từng con chữ, góp phần chắp cánh cho ước mơ của học trò bay cao, bay xa.
Minh Phương

1 nhận xét:

  1. Không rỏ vì sao càng Hội Điền lại năm trên đất xã Hải Hoà! Bạn có biết xin cho thông tin, Chân thành cảm ơn.

    Trả lờiXóa