Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

QUÁ TRÌNH DẠY HỌC CỦA CÁC BẬC TIỀN BỒI


Dạy học ở...càng

đường về trường càng

Về Hải Lăng (Quảng Trị) tôi mới biết rằng để đến với học trò, thầy cô nơi đây phải “vớt chữ từ dưới nước”. Vùng “càng” là cách gọi của những mảnh làng “phát sinh” từ những làng cũ.
Vùng đất này thật lạ, mỗi làng “mẹ” có mỗi “càng con”, như làng Mỹ Chánh tận trên quốc lộ 1, vậy mà cách thôn hơn chục cây số lại có “càng” Mỹ Chánh, thôn Câu Nhi có “càng” Câu Nhi, Hưng Nhơn có “càng” Hưng Nhơn, thôn Hội Điền có “càng” Hội Điền... Giữa mênh mông đồng nước, những càng nhỏ được nhận ra nhờ những lùm tre bao bọc vây quanh, loi thoi trên đồng nước buồn như thân cò lặn lội tảo tần.
Các bậc cao niên kể rằng xưa kia đồng đất mênh mông, dân mỗi làng đi khai phá, làm lụng xa làng cũ quá nên dựng lán trại để đỡ mất công đi về, có thời gian canh tác, bảo vệ, thu hoạch mùa màng, lâu dần định cư luôn giữa đồng mà hình thành nên các càng. Vùng càng này lại thấp hơn mực nước biển, quanh năm ngập úng. Để vào các càng, con đường nào cũng băng qua mênh mông ruộng kéo dài thành một vệt bùn rồi khuất dần trong cỏ, cuối cùng thì chìm hẳn dưới làn nước. Hỏi ra, những con đường này không mấy khi được dùng để đi bộ, phương tiện đi lại thông dụng nhất là thuyền.




Từ trung tâm xã Hải Hòa ra tới càng Hưng Nhơn dài gần 5km, trường ở càng chỉ dạy bốn lớp 1, 2, 3, 4, học lớp 5 phải vào trường xã.Tôi đã gặp những đứa nhỏ mới hơn 10 tuổi đầu dắt díu nhau vào học trường xã, kinh hãi nhất với những đứa trẻ ở đây không phải là con đường ngập ngụa bùn mà là đường vào trường phải đi qua một bãi tha ma mênh mông bên đồng nước. Chị Nga, giáo viên ở càng Hưng Nhơn, kể có cô giáo dạy trường xã, mới về chưa biết khoảng cách từ trường về càng, lại không biết bãi tha ma nọ, một hôm phạt cả lớp 5 về tội nghịch ngợm, cho bãi học muộn, mấy em học sinh thấy trời tối, mưa như trút, vừa tìm đường về nhà vừa khóc. Hôm sau cô giáo biết chuyện, hối hận và thương lũ học trò quá lại ôm học trò khóc...
Tôi có cảm giác để thấm nhập vào trí óc non nớt của các em học sinh ở đây, con chữ nào cũng... ướt sũng nước. Cô Nga cho biết ra dạy ở càng thường là một dạng “nghĩa vụ”, vất vả đường sá đã đành, càng này lại cách xa càng kia, dân lại ít, mỗi càng chỉ chưa đến 30 hộ dân, vậy nên tất cả học sinh học thành lớp ghép, buổi sáng cô dạy hai lớp 3 và 4, chiều dạy lớp 1 và 2. Gian nan thế nhưng khi biết chúng tôi là nhà báo, cô Nga đã nhất quyết bảo: “Tôi khổ cũng chưa bằng thầy Côi đâu, thầy dạy ở càng Hội Điền, anh về đấy thăm thầy ấy luôn, thầy vừa bị gãy chân vì chở sữa cho học trò...”.
Đường ra càng Hưng Nhơn đã kinh khủng, nhưng vào được càng Hội Điền nơi thầy Côi dạy càng kinh khủng hơn. Khóa xe máy để trên đê, đợi mãi rồi chúng tôi cũng được một thuyền chăn vịt cho quá giang, con thuyền nhỏ như lá tre, bốn bề mênh mông nước. Anh chàng chăn vịt tên Dũng nghe chúng tôi vào thăm thầy Côi chợt vồn vã hẳn. Cái cách phát âm từ “thầy giáo” từ miệng những người dân vùng đất trũng này nghe đầy vẻ kính trọng và hàm ơn, có lẽ giữa mênh mông nước bốn bề, người thầy ở đây như là hiện thân của văn minh với họ. Trước đây ở vùng càng chưa có giáo viên, việc dạy học hầu như do các xơ của nhà thờ trong càng đảm trách, cũng chỉ dạy cho các em biết đọc biết viết chứ chưa có cấp học. Và khi gặp thầy Côi tôi mới hiểu vì sao dân vùng càng lại quí thầy đến thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét