Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

CÕNG CHỮ VÀO CÀNG


           Có chứng kiến, bạn mới thấy hết được những gian nan, vất vả mà các thầy cô giáo ở các Càng thuộc xã vùng sâu Hải Hòa (huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị) hàng ngày phải trải qua. Dẫu vậy, họ vẫn tình nguyện gắn bó với mảnh đất này để sẻ chia nỗi khát khao học chữ của các bạn học trò nơi này…

Những khát khao giản dị
        Nơi cuối nguồn sông Ô Lâu, vùng đất thấp hơn mực nước biển từ 0,7 đến 1m, nên các vùng Càng: Hội Điền, Hưng Nhơn, An Thơ như những ốc đảo, gần như  tách biệt với thế giới bên ngoài. Và điều xót xa nhất là các bạn nhỏ ở đây kiếm cái chữ, con số nhọc nhằn gấp bội. Là học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 phải học lớp ghép tại Càng; còn lớp 5 trở lên thì phải học xa hàng chục km… nên đến mùa mưa lũ, các bạn ấy nhoài người chèo chống đến trường trên những chiếc ghe ngo mỏng manh, chông chênh rất nguy hiểm. Vậy mà, những ước mơ giản đơn ấy luôn bừng cháy, không hề bị lay chuyển.

Càng Hội Điền là những lùm tre bao bọc xung quanh, nằm giữa đồng nước mênh mông trong suốt mùa mưa.
Ngày vào càng Hội Điền, giữa biển nước mênh mông, không bóng người; khóa xe để trên đê, đợi mãi rồi bọn mình mới được ghe trong làng ra đón vào. Thầy Nguyễn Thanh Trí, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hòa, làm “hướng dẫn viên”, đã kịp “trích ngang”: Mùa mưa lũ, con đường duy nhất để ra vào Càng là bằng ghe đò. Chuyện  đến trường phải thức dậy từ 4- 5 giờ sáng, rồi tự mình đến lớp trên những chiếc ghe chòng chành như vậy là thường và đương nhiên với học trò nơi đây”. Tuy vậy, khi chính bọn mình đặt chân lên ghe vào Càng, chứng kiến mọi thứ mới thấy thấm thía vô cùng... Các bạn từ lớp 1-lớp 4 phải "tự túc" đến trường. Đối với các bạn nhà xa, trời nắng thì tự đi xe đạp, trời mưa thì vắt quần lên cổ, tay xách dép rồi lội nước đến trường. Đã thế, họ cũng chỉ được học 2 môn: Toán và Tiếng Việt.

Đường vào làng Cô giáo Như.
Những năm trước đây, các lớp học ghép này mượn nhà dân hoặc nhờ nhà kho của Hợp tác xã, thôn. Còn bây giờ, các bạn được học “sang” hơn trong các nhà xây dựng cho bà con tránh lũ của Dự án Phòng chống thiên tai bão lũ miền Trung nhưng vẫn thiếu thốn đủ bề.  


Mùa… nước nổi, bọn mình tới trường như thế này đây.
Chú Nguyễn Văn Thắng, phó Càng Hội Điền, xót xa: “Ở vùng này không có trường mẫu giáo, muốn được học mẫu giáo các em phải đi đến trường cách xa nhà 15km, nhưng phụ huynh thì lo quần quật kiếm cái ăn nên không ai rảnh rỗi đưa đón con đến trường học. Vì thế,  trẻ em ít được tiếp xúc với chữ cái, con số, hát hò khi được vào lớp 1. Chúng chỉ sớm biết chèo đò, ngụp lặn trong dòng nước đục ngầu đầy hiểm nguy”. 

Tình thầy cô sâu nặng…

Vùng Càng khó khăn là vậy nên chuyện dạy học ở đây khó nói hết thành lời. Ai cũng hiểu được rằng, chính tình cảm sâu nặng với lũ học trò thiệt thòi này, những người “lái đò” ở đây mới miệt mài “cõng” từng con chữ vượt đường xá xa xôi, cưỡi lên dòng nước nguy hiểm để tiếp bước nhiều ước mơ đang được ấp ủ.
Thầy Trí bùi ngùi: những cô giáo như cô Dương Thị Hiền, Hoàng Thị Loài, Lê Thị Thanh, thầy Nguyễn Văn Côi, Thầy Nguyễn Đức Tịnh, Cô Phan Thị Quỳnh Như, Cô Lê Thị Thu Hiền, Cô Nguyễn Thị Mến… có thâm niên ở vùng này nhiều năm, ai cũng nghĩ mình chỉ làm cho hết trách nhiệm rồi thôi, nhưng khi về cùng với học trò rồi, ai nấy cũng “rút ruột” đem hêt kiến thức truyền cho các em; không nỡ “quay lưng” bỏ dở những ước mơ lại vùng đất tội nghiệp này. Các thầy cô ra Càng dạy vất vả đường sá đã đành, khoảng cách giữa các Càng xa, dân ít, mỗi càng khoảng 30 hộ dân, vậy nên toàn là lớp học ghép từ từ lớp 1 đến lớp 3 (tổng số 9 học trò), 1 giáo viên và tấm bảng lúc nào cũng phải chia làm ba...
Thầy Trí còn kể, mấy năm trước, ở đây có thầy Nguyễn Văn Côi (năm ấy đã ngoài 50 tuổi), thầy như “ánh sáng” của làng vậy, ai ai nhắc đến thầy cũng bằng lòng thành kính và biết ơn. Ngoài việc dạy, cứ mỗi ngày đầu tuần, thầy lặn lội vào trường chính nhận sữa và bánh (chương trình “sữa học đường”) về phát cho học trò. Có khi vì… tiết kiệm thời gian, thầy nhận chở luôn cho những tuần sau nên có lần thầy bị té gẫy chân. Vậy mà thầy vẫn không bỏ lớp buổi nào. Dân làng yêu mến thầy như người thân. Không chỉ làm nhiệm vụ dạy, bao nhiêu chuyện bà con trong Càng cần đến thầy: nhờ viết giấy tờ, khai sinh cho con, “tư vấn” đặt tên con… Và bây giờ vẫn vậy, với dân làng, những thầy cô vào Càng dạy như là những vị… thánh của họ.

Thầy Nguyễn Thanh Trí lo âu: dãy nhà cấp 4 ở điểm trường chính Tiểu học Hải Hòa  bị nứt từ nhiều năm nay, thầy trò vừa dạy - học, vừa nơm nớp lo.
Tuy nhiên, cũng còn một số bạn chỉ học xong lớp 4, khi đã có thể cộng trừ đơn giản, biết đọc cơ bản rồi rời trường lớp về theo cha mẹ chăn vịt, đánh cá mưu sinh... Đó là nỗi day dứt luôn canh cánh trong lòng của những người thầy trên vùng nước nổi này. Vì vậy, họ luôn dốc hết nhiệt huyết  truyền đạt, động viên học trò vượt khó để có một hành trang kiến thức vững vàng khi bước vào đời 
Lớp học ghép ở điểm trường Càng Hội Điền trông khang trang không nào ? Đó là phòng “mượn tạm” của nhà chống lũ đấy.
   


Lớp “anh” chỉ bài cho lớp “em”…

Đường đến trường của… lớp 5 trở lên.


Đua thuyền, thi bơi là thú vui giải trí của thanh thiếu nhi trong Càng.
MM

1 nhận xét:

  1. Ngày xưa chiến tranh ác liệt! mỗi khi nghe tin đêm về sẽ có đụng độ trong làng(đánh nhau giữa VNCH và Du Kích) mẹ bế tôi cùng một số bà con, xế chiều chạy ra Càng Hưng Nhơn lánh nạn...Cùng cực, mẹ đành bế tôi bỏ làng, bỏ quê, tha hương!

    Trả lờiXóa