Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG TIỂU HỌC HẢI HOÀ


Hải Hòa là một xã đồng bằng, thuộc vùng sâu, trũng thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Diện tích toàn xã 13,6 km2, dân số tính đến năm 2008 có 5260 người. Dân cư sống phân bố gồm 4 thôn: Hưng Nhơn, An Thơ, Phú Kinh, Hội Điền, có 2 xóm càng An Thơ và Hưng Nhơn. Ngoài ra còn một số làm nhà, phát triển trồng trọt, chăn nuôi ở phường Phú Kinh, Hưng Nhơn và Trầm Sơn ở cách trung tâm xã chừng 15 km. Toàn xã có cánh đồng ruộng, phì nhiêu hằng năm làm 2 vụ lúa ổn định, có năng suất cao do có trình độ và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp. Một số bà con làm nghề đánh bắt thủy sản là nguồn lợi đáng kể. Nghề làm nón truyền thống ở thôn Hưng Nhơn, An Thơ, Phú Kinh nổi tiếng một thời được nhiều người khắp nơi biết đến là nguồn thu nhập thêm mỗi khi nhàn rỗi việc đồng áng, những lúc mưa gió. Đời sống kinh tế toàn xã phát triển tốt, ít hộ nghèo.
        Đặc biệt đời sống văn hóa luôn thể hiện cao qua các hoạt động. Toàn xã có 3 thôn được cấp trên công nhận làng văn hóa, phần đông xem văn hóa là chìa khóa, là món ăn tinh thần không thể nào thiếu trong đời sống của nhân dân.
        Người dân Hải Hòa có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Từ xưa có nhiều người đã đỗ đạt cao, đã ghi danh vào bảng vàng ở nhà văn bia Huế, Hà Nội. Có nhiều người ra làm quan thanh liêm giúp ích nhiều cho dân, cho nước. Trong thời kỳ  kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sau năm 1975 đến nay đã có nhiều nhân tài, đỗ đạt cao, làm việc khắp cả nước góp phần đáng kể vào việc xây dựng bảo vệ tổ quốc.
        Trường Tiểu học Hải Hòa sau giải phóng 1975 đã sớm ổn định đi vào hoạt động giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho học sinh trong độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đến năm 1979 theo điều kiện trường có thêm học sinh, cấp 2 nhập lại thành trường cấp 1, 2 Hải Hòa. (Sau đổi tên thành trường Phổ thông cơ sở Hải Hòa. Trong thời gian trên, có nhiều thầy cô tâm huyết với nghề nghiệp, tận tụy với học sinh, chăm lo công tác giảng dạy, rèn luyện không ít học sinh sau này trở thành nhiều người giúp ích cho xã hội. Có nhiều thầy cô ở tận Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Vĩnh Linh cho dù điều kiện khó khăn về mọi mặt, xa gia đình mà họ vẫn cố gắng vượt qua với khẩu hiệu “ dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”. Điển hình có các thầy cô hiệu trưởng là con chim đầu đàn tổ chức lãnh đạo đưa hoạt động nhà trường không ngừng vươn lên sánh kịp với các trường bạn. Đó là:
*    Thầy giáo: Đinh Khắc Chuân: quê ở Quảng Bình, làm hiệu trưởng giai đoạn 1975 – 1979.
*     Thầy giáo Lê Bá Đệ: quê ở Quảng Bình, làm hiệu trưởng giai đoạn 1979 – 1981.
*    Thầy giáo: Trần Đức Ninh: quê ở Vĩnh Linh, làm hiệu trưởng giai đoạn 1981 – 1983.
*    Thầy giáo: Bùi Văn Súng: quê ở Hải Tân - Quảng Trị, làm hiệu trưởng giai đoạn 1984 – 1992.
         Đến tháng 9 năm 1992 do cơ chế môi trường, trường Phổ thông cơ sở Hải Hòa tách ra với tên gọi Trường Tiểu học Hải Hòa.
         Khi mới tách ra, Trường Tiểu học Hải Hòa có 4 khu vực giảng dạy:
*    Khu vực chính Hưng Nhơn gồm 4 phòng học (cấp 4) xây dựng năm 1980. Nhà hiệu bộ gồm có 4 phòng diện tích 40 m2/ phòng gồm: văn phòng, phòng thư viện thiết bị, phòng hiệu trưởng (nhìn chung rất chật hẹp).
*    Khu vực lẻ Phú Kinh: có 2 phòng học cấp 4 được xây dựng từ năm 1985 bố trí học được 4 lớp.
*    Khu vực lẻ càng An Thơ: có một phòng học cấp 4 (đã xuống cấp), bố trí giảng dạy gồm 2 lớp ghép.
*     Khu vực lẻ Hội Điền: có một phòng học cấp 4, bố trí giảng dạy 2 lớp ghép.
          Trong phòng học, bàn ghế còn thiếu thốn, các phương tiện phục vụ dạy học còn thiếu.
          Sau trận lụt 1999 tất cả các khu vực trong trường đã ngập sâu trên 2m là xuống cấp tất cả các phòng học đã xây dựng lâu năm. Tuy vậy nhờ tinh thần khắc phục lũ lụt cao của toàn thể cán bộ giáo viên trong đơn vị nên đã bảo quản được một số bàn ghế, đồ dùng phục vụ dạy và học, tài liệu. Tập thể nhà trường đã được UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen về việc truyền thống lũ lụt năm 1999.
          Được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục tỉnh Quảng Trị và Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở vật chất đã được xây dựng 2 khu nhà cao tầng gồm 10 phòng học khang trang có đủ tiện nghi phục vụ tốt cho việc dạy và học.
          Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, với tinh thần nhất trí cao quyết tâm xây dựng trường tiên tiến cấp huyện, tỉnh, toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên trong đơn vị quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo sát sao của PGD- ĐT Hải Lăng, của Đảng và chính quyền địa phương và của Thầy hiệu trưởng Lê Đăng Định.
          Đến tháng 9 năm 2008 do yêu cầu công tác, đồng chí Nguyễn Thanh Trí về làm hiệu trưởng từ năm 2008 tiếp tục đưa hoạt động của nhà trường vươn lên mạnh mẽ về mọi mặt.
           Song song với công tác giảng dạy học sinh bậc Tiểu học, nhà trường đã triển khai và được công nhận sớm công tác phổ cập giáo dục Tiểu học và xóa mù chữ từ năm 1993, phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2004, công nhận đơn vị văn hóa cấp huyện từ năm 2004.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét